Những tên tội phạm tâm thần vẫn có lòng trắc ẩn, nhưng sự cảm thông đó chỉ được “bật” lên tùy ý chứ không được lập trình tự động như người bình thường.
Các nhà khoa học thuộc Phòng Thí nghiệm bộ não xã hội ở Amsterdam (Hà Lan) phát hiện những tên tội phạm tâm thần không hề bị “đứt” dây thần kinh cảm xúc như người đời vẫn tưởng. Thay vào đó, chúng vẫn có thể chọn lựa đối tượng để cảm thông, có nghĩa là vận dụng một cách tùy ý khả năng xúc cảm của mình. Điều này có thể giải thích tại sao kẻ phạm tội hết sức nhẫn tâm, nhưng vẫn có thể dễ dàng gần gũi một cách xảo quyệt khi tương tác với các thành viên trong xã hội. Để rút ra kết luận trên, nhóm chuyên gia nghiên cứu các tội phạm đã bị kết án, bằng cách phân tích diễn biến tâm lý của họ khi xem các đoạn phim được ghi sẵn. Kết quả cho thấy, dù tội phạm tâm thần vẫn có lòng trắc ẩn, nhưng họ có thể dễ dàng làm hại người khác vì không tự động có cảm giác đau đớn khi nhìn thấy nạn nhân quằn quại.
Nhân vật biến thái Hannibal Lecter trong bộ phim Sự im lặng của bầy cừu - (Ảnh: Reuters)
Người phạm tội bị chẩn đoán tâm thần là mối đe dọa đáng sợ đối với xã hội, do họ luôn có khuynh hướng hại người, và sẵn sàng lặp lại hành vi tội ác nếu được phóng thích. Một cuộc nghiên cứu khác, phân tích qua hình ảnh quét não, cho thấy khả năng đồng cảm ở kẻ tâm thần giảm hẳn khi chứng kiến nỗi đau của người khác. Nhưng khi được yêu cầu nhận ra những cảm xúc của người đối diện, họ lại có thể kích hoạt lòng trắc ẩn của bản thân. Tuy nhiên, khi đó vẫn chưa rõ cơ chế của tình trạng “tuột” khả năng đồng cảm ở tên tội phạm có vấn đề tâm thần. Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Christian Keysers giải thích rằng, cũng giống như nhân vật bác sĩ Hannibal Lecter trong phim Sự im lặng của bầy cừu, những tội phạm tâm thần thường bị nhốt kín trong các trại giam có mức độ an ninh tối đa, nơi không có sẵn những thiết bị công nghệ tân tiến để nghiên cứu bộ não của họ, như máy chụp cộng hưởng từ (MRI). Còn việc chuyển đối tượng đến các trung tâm khoa học lại cần đảm bảo có lực lượng an ninh hộ tống chặt chẽ, điều mà hầu hết các hệ thống tư pháp không sẵn sàng đáp ứng.
Tuy nhiên, hệ thống tư pháp Hà Lan có vẻ như là một ngoại lệ. Đây cũng là lần đầu tiên có một mạng lưới tư pháp trên thế giới tích cực hợp tác với các viện khảo sát tâm lý và cung cấp đối tượng nghiên cứu trong nỗ lực tìm hiểu bệnh thái nhân cách. Tổng cộng 18 tội phạm tâm thần đã được chuyển đến phòng thí nghiệm ở Groningen, nơi nhóm của tiến sĩ Keysers có thể sử dụng máy MRI trong lúc theo dõi phản ứng của tù nhân và so sánh với những người khỏe mạnh. Theo báo cáo trên chuyên san Brain, các chuyên gia cho hay não người được trang bị cái mà giới khoa học gọi là “hệ thống gương”. Thùy não nhỏ ở phía trước, khi kích hoạt, có thể làm cho con người cảm giác được những xúc cảm như đau đớn và ghê tởm. Các nhà khoa học chuyên về não phát hiện khi người bình thường nhìn thấy người khác chuyển động cơ thể, hoặc có cảm xúc, các vùng vỏ não tương tự cũng được kích hoạt theo. Nói cách khác, những hoạt động hoặc cảm giác của người khác trở thành của chính mình.
Có giả thuyết cho rằng người gặp vấn đề tâm thần có thể vì một lý do nào đó bị vỡ đi “hệ thống gương”, khiến họ không thể đồng cảm với nạn nhân được. Tuy nhiên, kết quả cho thấy tội phạm tâm thần vẫn kích hoạt hệ thống này, nhưng ít hơn hẳn so với người bình thường. Điều đó khiến họ dễ dàng làm tổn thương người khác hơn.
via khoahoc.com.vn - Đời sống - Y học - Cuộc sống - Rss - Các bài viết mới nhất http://www.khoahoc.com.vn/doisong/yhoc/suc-khoe/48085_Long-trac-an-cua-toi-pham-tam-than.aspx
0 comments:
Đăng nhận xét