Kiến thức tổng hợp

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Kỳ tích nuôi con bằng sữa cha

@NguonTinViet.Com


Nhìn con yêu khóc đến thắt lòng, người đàn ông ấy đã nựng con sát vào vùng ngực, với mong muốn hơi ấm của mình có thể làm dịu đi cơn khát sữa của con thơ. Đột nhiên, người cha thấy sữa chảy ra từ chính ngực mình. Rất kỳ dị, nhưng ông mừng đến rơi nước mắt…


Khi đàn ông cũng tiết sữa, cho con bú


Tháng 10/2002, vợ của anh B. Wijeratne, 38 tuổi ở Walapanee gần Thủ đô Colombo, Sri Lanka mất ngay sau khi sinh cô con gái thứ hai. Đứa con gái đầu lòng Niansala, 18 tháng tuổi không chịu uống sữa bột. Nhìn con yêu khóc đói đến thắt lòng, anh đã nựng cho con bú ngực của mình. Khi ấy, anh chỉ mong, hơi ấm của một người cha có thể làm dịu đi cơn khát sữa của con gái. Lúc đầu, cô bé chẳng chịu “ti”, mới tợp tợp vài cái là giãy nảy lên. Người cha cố gắng thử đủ mọi cách, mọi tư thế để con “chịu”. Rồi, đứa con dần hết khóc và bắt đầu mải miết nhay nhay núm vú của cha. Anh B. Wijeratne càng ngày ngạc nhiên hơn khi thấy sữa chảy ra từ chính ngực mình. Trường hợp tự tiết “sữa mẹ” hy hữu của anh B. Wijeratne được Tiến sĩ Kamal Jayasinghe, Phó Giám đốc của một bệnh viện thuộc Chính phủ Sri Lanka chứng thực.


Trong tài liệu “Những trường hợp bất thường và kỳ lạ của y học”, xuất bản năm 1896, hai tác giả George Gould và Walter Pyle cũng liệt kê một số trường hợp nam giới cho trẻ bú bằng sữa của chính mình. Trong số đó có một người đàn ông Nam Mỹ. Sau khi người vợ ngã bệnh, rồi bị teo 2 bên ngực, thương con thơ, người đàn ông này đã làm nên một kỳ tích - tự tiết sữa cho con bú. Cả gia đình họ đã cùng vượt qua khó khăn, thử thách. Con thơ được bú sữa cha, lớn khôn từng ngày, còn người vợ cũng dần khỏe lại.


Nhà thám hiểm David Livingstone cũng lưu ý trường hợp một người cha ở Scotland (năm 1858) đã tiết sữa cho con bú. Lúc đó, trong nỗi tuyệt vọng cùng cực khi người vợ bị giết hại, người đàn ông này ôm chặt cậu con trai vào ngực của mình. Thật ngạc nhiên, ngực của người cha này tự dưng có sữa.


Kỳ tích nuôi con bằng sữa cha


Michael Thomsen, một nhà văn 33 tuổi sống ở New York, bỗng có một suy nghĩ: Tại sao anh không thể giúp đỡ vợ trong việc cho con bú, nghĩa là “cho bú” thực sự. Nghĩ là làm, Thomsen quyết định kích thích việc ra sữa bằng cách sử dụng dụng cụ dành cho các phụ nữ chậm xuống sữa, kiên trì thực hiện 2-3 giờ mỗi ngày. Những tưởng câu chuyện “hoang tưởng” này sẽ không có kết quả. Thế nhưng, kì tích đã xuất hiện. Sau hơn ba tháng nỗ lực bằng biện pháp “gò ép, cưỡng chế”, người đàn ông này đã xuất hiện những giọt sữa đầu tiên. Tin tức về người đàn ông với thí nghiệm “ly kỳ” này đã nhanh chóng được giới truyền thông biết đến và thậm chí đài truyền hình Mỹ còn quyết định sẽ thực hiện một bộ phim tài liệu về cuộc “nghiên cứu, phát minh” độc đáo này.


Giáo sư Barry Hewlett, một nhà nhân chủng học người Mỹ, sau một thời gian sống thân thiết với cộng đồng người lùn Aka ở Trung Phi (có dân số khoảng 20.000 người) đã phát hiện ra một điều rất kỳ thú: ở nơi đây, đàn ông và phụ nữ đều chia sẻ trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con cái - bao gồm cả việc cho con thơ bú. Người đàn ông rất hạnh phúc khi ở nhà chăm những đứa trẻ và cho con bú “ti” của mình. Theo văn hóa của cộng đồng người Aka, người phụ nữ có vai trò đảm nhiệm những công việc lớn trong gia đình (như đi săn, dựng lều), còn người đàn ông thì làm việc nhà (nấu nướng, chăm sóc con cái).


Sữa cha: Tại sao không?


Chuyện người đàn ông có thể tiết sữa, cho con bú là có thật, nhưng rất hiếm, chỉ xảy ra trong một số trường hợp đặc biệt. Hiện giới chuyên gia đã đưa ra được 4 giả thuyết sau đây.


Thứ nhất, việc tiết sữa của người đàn ông xảy ra khi tình phụ tử thăng hoa. Câu chuyện tiết sữa, cho con bú của anh B. Wijeratne và người đàn ông Aka là hai trường hợp điển hình.


Sau một thời gian khá dài tiếp xúc và nghiên cứu văn hóa người Aka, đặc biệt là tình phụ tử ở nơi đây, được sự đồng ý của một người cha đang ấp con thơ vào lồng ngực, Giáo sư Barry Hewlett đã lấy mẫu máu của người đàn ông này và mang về Mỹ nghiên cứu. Kết quả cho thấy, nồng độ prolactin trong máu của người cha đó tăng cao rõ rệt. Tiếp đó, Giáo sư Barry Hewlett có nghiên cứu thêm các mẫu máu của những người cha Aka đang chăm con sơ sinh, cũng đem lại kết quả tương tự. Theo giải thích của Giáo sư Barry Hewlett cùng cộng sự, chính quá trình con trẻ kích thích vào núm vú người cha liên tục trong một thời gian khá dài đã khiến nồng độ prolactin trong máu của người cha tăng cao. Prolactin có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình tiết sữa ở người.


Giả thuyết này có nhiều điểm tương đồng với một kết luận của Tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences của trường ĐH Northwestern tại Evanston, Illinois (Mỹ) gần đây khi chỉ ra rằng: Testosterone (Testosterone là hormon giúp tăng cường dục năng đàn ông và các bắp thịt của cơ thể) có khuynh hướng sụt giảm trầm trọng khi họ có con, đặc biệt đối với những ông bố đảm nhiệm việc bồng ẵm và chăm sóc con. Khi Testosterone ở người đàn ông đột ngột giảm - điều này dẫn đến việc bài xuất prolactin, làm khởi phát sự tạo sữa.


Thứ hai, việc massage thường xuyên và “mút” đầu vú trong thời gian dài (nhiều tháng) cũng có thể khiến đàn ông tiết sữa. Năm 1978, trong cuốn “Cho con bú: Quà tặng ngọt ngào”, nhà nhân loại học Dana Raphael cho rằng, nam giới cũng có thể tiết sữa, bởi vì người đàn ông cũng có tuyến vú và tuyến yên như phụ nữ. Khi trẻ mút vú, xung động cảm giác thần kinh từ vú lên não, kích thích thùy trước tuyến yên tiết ra prolactine, chất này theo mạch máu đến vú làm các tế bào tiết ra sữa. Trường hợp tiết sữa của nhà văn người Mỹ Michael Thomsen là điển hình.


Thứ ba, phổ biến nhất, đàn ông tiết sữa do tác dụng phụ của những phương pháp trị liệu hormone hay những người đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt. Một vài loại thuốc Tây cũng có thể làm tăng hormone prolactine. Chẳng hạn như thuốc Phenothiazine, thuốc điều trị tăng huyết áp (đặc biệt như Methyldopa), thuốc giảm đau nhóm Opioids (thuốc dạng thuốc phiện)…


Thứ tư, do thay đổi chế độ dinh dưỡng đột ngột. Trong bài báo “Sữa cha” đăng trên tạp chí Discover, tác giả Jared Diamond, một nhà nghiên cứu sinh lý học, từng đoạt giải Pulitzer, đã dẫn chứng một số trường hợp những người sống sót được cứu thoát từ các trại tập trung của phát xít Đức và Nhật trong Thế chiến thứ II. Sau khi được tự do, được ăn uống đầy đủ, các tuyến nội tiết phục hồi nhanh hơn. Do vậy, trong một thời gian ngắn, hormon sản xuất ra không được hấp thụ và trở nên dư thừa, dẫn đến việc tiết sữa.


“Ôm con trong lòng cho bé bú, nhưng con vẫn ngước đôi mắt to tròn đen lay láy lên nhìn tôi. Tôi vẫn hát cho con nghe, cười với con. Theo ngày tháng, con gái tôi không còn khóc ngằn ngặt đòi mẹ như trước nữa. Giờ nằm gọn trong lồng ngực của cha, con gái luôn âu yếm, cảm nhận rõ được tình yêu thương mà tôi dành cho con” - Anh B. Wijeratne chia sẻ cảm xúc thiêng liêng của tình phụ tình bằng chính những giọt sữa hiếm hoi của người cha.







http://www.khoahoc.com.vn/doisong/yhoc/suc-khoe/50901_Ky-tich-nuoi-con-bang-sua-cha.aspx
Share:

0 comments:

Đăng nhận xét

Bài viết ngoài

Dịch

Bài Cũ

Nguon Tin Viet