Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chợ Lách, Bến Tre và phó giáo sư, tiến sỹ Lê Văn Bé, Trường Đại học Cần Thơ vừa được vinh danh tại lễ tổng kết Hội thi sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Bến Tre lần thứ IV với giải pháp điều chế hợp chất chống rụng cánh hoa.
Theo đó, một hỗn hợp bao gồm các thành phần Triacontanol, Acid Boric, Clorua Calcium và phụ gia, được pha chế theo một tỉ lệ cố định trước khi hòa tan vào nước để phun đều lên các loại hoa mai, phong lan, hoa giấy... vào thời điểm cây bắt đầu nở hoa.
Giải pháp này giúp kéo dài thời gian hoa nở, giúp chống rụng cánh hoa trong thời gian từ 7-10 ngày so với bình thường.
Người trồng mai ở Bình Định thất thu do hoa nở sớm trước Tết. (Ảnh: TTXVN)
Ông Lê Văn Em, một nông dân chuyên trồng mai tại xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách cho biết, thông thường chỉ khoảng 3-4 ngày kể từ khi chớm nở là hoa mai đã bắt đầu tàn. Việc phun hợp chất này giúp tăng thời gian hoa tươi lên gấp đôi nên gia đình ông rất an tâm.
Cũng theo ông, mấy năm gần đây thời tiết thường xuyên diễn biến phức tạp nên nông dân trồng hoa tết rất lo lắng, đặc biệt là nông dân trồng mai.
Nguyên do là loại hoa này rất “nhạy cảm” với thời tiết, một cơn mưa trái mùa, hoặc thời tiết chuyển lạnh bất thường chừng vài ngày là hoa có thể nở không đúng tết. Hoa nở sớm, hoặc muộn chừng 2-3 ngày là người trồng “điêu đứng".
Theo ông Nguyễn Văn Vưng, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, giải pháp trên có tính ứng dụng rất cao.
Chỉ tính riêng các địa phương trong tỉnh Bến Tre, hàng năm đã cung ứng ra thị trường hàng triệu sản phẩm hoa tết. Giải pháp kéo dài thời gian hoa nở đã tháo gỡ được một trong những khó khăn lớn nhất của nông dân.
Qua thực hiện thí điểm ở 170 hộ nông dân tại một số xã của huyện Chợ Lách trong hai năm 2011-2012 đã chứng minh hiệu quả thực tế của sản phẩm này.
Đăng ký: Bài đăng (Atom)
0 comments:
Đăng nhận xét