Các nhà khoa học tin rằng, họ đang tiến gần hơn tới việc giải đáp bí ẩn tại sao bệnh hủi (hay còn gọi là bệnh phong, cùi) đột ngột biến mất dần ở châu Âu cách đây 500 năm.
Bệnh hủi từng là một trong những "sát thủ" đáng sợ nhất trên khắp châu Âu với các nạn nhân bị xua đuổi ra ngoài các thị trấn và làng mạc. Căn bệnh này hiện vẫn tồn tại ở 91 quốc gia trên thế giới và tấn công khoảng 225.000 người mỗi năm, nhưng ở châu Âu, nó từng đột ngột suy giảm vào thế kỷ 16.
Một trong những giả thuyết phổ biến nhất về lí do cho sự biến mất dần này là, mầm bệnh đã tiến hóa và mất tính độc hại chết người. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện có thể bác bỏ giả thuyết này sau khi khám phá ra rằng, "thủ phạm" gây bệnh hủi ngày nay ở Trung Đông và một số khu vực khác trên thế giới gần như giống hệt mầm bệnh ở châu Âu thời Trung cổ.
Bệnh phong từng gây ra đại dịch hoành hành khắp châu Âu thời Trung cổ. (Ảnh: Shutterstock)
Phát hiện trên có được sau khi các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích gene của trực khuẩn Mycobacterium leprae, thủ phạm gây bệnh hủi, được trích lấy từ những mẫu xương thời Trung cổ ở Anh, Thụy Điển và Đan Mạch. Nó ám chỉ rằng, người châu Âu đã phát triển một kháng thể tự nhiên giúp chống lại bệnh.
Trong bài viết đăng tải trên tạp chí Science, một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế kết luận: "Sự suy thoái đột ngột của bệnh hủi ở châu Âu thế kỷ 16 gần như chắc chắn không phải do chủng M. leprae tại lục địa này đã mất đi tính độc chết người. Các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh lao, sự thay đổi về khả năng miễn dịch của vật chủ hay điều kiện xã hội được cải thiện có thể dẫn đến sự suy thoái này".
Trong số 3,3 triệu ký tự hóa học được phát hiện trong hệ gene của mầm bệnh thời hiện đại, chỉ có 20 là khác với phiên bản của chúng thời Trung cổ, theo tiến sĩ Johannes Krause, một nhà di truyền học thuộc Đại học Tuebingen (Đức).
Tiến sĩ Stewart Cole, giám đốc Viện Sức khỏe toàn cầu tại Thụy Sỹ cho biết thêm rằng, giả thuyết mới dường như có lý vì một số nghiên cứu khác từng nhận diện các yếu tố genê khiến hầu hết người châu Âu có khả năng kháng bệnh hủi tốt hơn phần lớn người dân ở những khu vực khác trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Cole nói thêm rằng: "Chúng ta hiện không có dữ liệu để xác định hướng lây lan của dịch hủi. Mầm bệnh có thể đã được đưa tới Palestine trong các cuộc Thập tự chinh (cuộc chiến tranh tôn giáo nhằm phục hồi sự kiểm soát của Kitô giáo với vùng Đất Thánh - pv). Tuy nhiên, quá trình này cũng có thể xảy ra theo hướng ngược lại".
Bệnh hủi (phong, cùi) không phải là bệnh di truyền mà là một bệnh nhiễm khuẩn, gây ra bởi một loại trực khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium leprae (còn được gọi là trực khuẩn Hansen). Bệnh này lây qua đường da hoặc hô hấp. Tuy nhiên, việc mắc bệnh hay không thì còn tùy thuộc vào đáp ứng của cơ thể mỗi người đối với vi khuẩn M. leprae.
Bệnh hủi chủ yếu tác động vào da và các dây thần kinh ngoại biên. Bệnh không gây chết người nhưng có thể gây tàn tật, có 2 loại như sau: Tàn tật do vi khuẩn phong trực tiếp xâm nhập vào dây thần kinh gây ra, hậu quả là mất hay giảm cảm giác, liệt cơ, teo cơ, co ngón, bàn chân rũ, mắt thỏ, tiêu xương, giảm tiết mồ hôi; tàn tật do bệnh nhân không được giáo dục y tế, không biết chăm sóc bàn tay bàn chân mất cảm giác, không biết chăm sóc vết thương ngoài da dẫn đến viêm xương, cụt rụt tay chân.
via khoahoc.com.vn - Đời sống - Y học - Cuộc sống - Rss - Các bài viết mới nhất http://www.khoahoc.com.vn/doisong/yhoc/suc-khoe/47347_Giai-ma-su-bien-mat-cua-benh-hui-o-chau-Au.aspx
0 comments:
Đăng nhận xét