Quả bơ, chuối, nho khô, rau cải bó xôi có chứa kali, thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối, không tốt cho người mắc bệnh thận.
BS.CKII Đinh Cẩm Tú, khoa Thận học - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu -
Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lưu ý người bệnh
thận nên hạn chế hoặc không dùng những thực phẩm dưới đây.
Quả bơ giàu kali, cần tránh nếu mắc bệnh thận. Một quả bơ cỡ trung bình cung cấp đến 690 mg kali.
Quả mơ giàu vitamin A, C và chất xơ nhưng cũng nhiều kali. Mỗi ly
(khoảng 165 g) quả mơ tươi cắt lát có 427 mg kali. Lượng kali trong mơ
khô cao hơn mơ tươi nhiều lần, người bệnh thận nên tránh. Nho khô, mận
khô cũng chứa hàm lượng kali, đường và calo cao.
Chuối dù có lượng natri thấp nhưng một quả cỡ trung bình cung cấp 422 mg kali.
Một trái cam lớn (khoảng 184 g) chứa 333 mg kali. Trong một ly (khoảng 240 ml) nước cam có 458 mg kali.
Rau cải bó xôi nấu chín một chén cung cấp khoảng 839 mg kali, gần
bằng một nửa lượng khuyến nghị hàng ngày cho người mắc bệnh thận mạn
tính. Củ cải đường giàu kali, không tốt cho người bệnh này.
Khoai tây cũng có lượng kali tự nhiên cao, một củ trung bình khoảng 610 mg kali.
Cà chua cần hạn chế trong giai đoạn đầu mắc bệnh thận. Nếu lượng
kali trong cơ thể cao, bác sĩ thường khuyến nghị người bệnh loại bỏ cà
chua và các sản phẩm từ cà chua ra khỏi khẩu phần ăn.
Gạo lứt với một cốc (khoảng 155 g) nấu chín chứa 149 mg phốt pho,
95 mg kali. Gạo trắng, kiều mạch là lựa chọn thay thế tốt hơn gạo lứt
cho người bệnh thận. Một cốc (khoảng 186 g) gạo trắng đã nấu chín chỉ
chứa 69 mg phốt pho, 54 mg kali.
Bánh mì nguyên cám và ngũ cốc nguyên hạt có hàm lượng phốt pho và
kali khá cao. Một lát (36 g) bánh mì này cung cấp khoảng 76 mg phốt pho,
90 mg kali. Do đó, người bệnh thận nên sử dụng bánh mì bình thường.
Yến mạch, bột yến mạch đều nhiều kali, phốt pho, natri. Khi chọn
mua sản phẩm từ yến mạch, người bệnh thận cần xem kỹ thông tin về hàm
lượng những chất này, tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng sử dụng.
Thịt chế biến sẵn như thịt ướp muối, sấy khô, đóng hộp... có chất
bảo quản, không tốt cho sức khỏe. Bác sĩ Cẩm Tú cho biết thịt đã qua chế
biến thường có lượng muối lớn, chủ yếu để cải thiện mùi vị và giữ
nguyên hương vị. Do đó, khi đưa thịt chế biến vào khẩu phần ăn, rất khó
để giữ lượng natri hàng ngày của người bệnh thận ở mức dưới 2.300 mg.
Dưa chua có hàm lượng natri cao, cần tránh trong chế độ ăn kiêng
của người bệnh thận. Một phần dưa chua lớn chứa khoảng 1.630 mg natri.
Chế độ ăn uống thân thiện với thận thường khuyến nghị duy trì lượng
natri dưới 2.300 mg mỗi ngày.
Bánh quy nhiều natri. Khi đưa chúng vào khẩu phần ăn, người bệnh
thận không thể kiểm soát được lượng natri nạp vào. Bánh quy cũng không
chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Đậu cung cấp protein, chất xơ thực vật tốt. Tuy nhiên, nó cũng có
thể làm tăng lượng kali, phốt pho lưu thông trong máu nếu tiêu thụ với
số lượng lớn.
Sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua... có canxi,
protein và các chất dinh dưỡng quan trọng khác, song cũng giàu phốt pho,
kali. Người bệnh thận giai đoạn sau có thể cần hạn chế sử dụng.
--