Thiết bị đưa thuốc vào cơ thể bằng công nghệ nano do các chuyên gia Đại học Queensland (Úc) phát triển sắp được Công ty Vaxxas bán ra thị trường hứa hẹn sẽ chấm dứt nỗi sợ tiêm chủng và chích thuốc của phần đông dân số. Công nghệ mới sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn liên quan đến kim tiêm (gây ra khoảng 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm).
Nanopatch bao gồm hơn 20.000 mũi kim siêu nhỏ được ép trên một miếng silicon cỡ 1cm2. Những mũi kim này nhỏ đến nỗi hệ thần kinh không thể phát hiện chúng đâm qua da, nên người dùng không cảm thấy đau đớn. Chúng có thể thâm nhập sâu dưới da, và bởi vì vắc-xin hoặc thuốc phủ lên các đầu kim, nên chúng được đưa trực tiếp đến các tế bào miễn dịch dưới da. Các chuyên gia cho biết các tế bào miễn dịch dưới da sẽ cho phép vắc-xin phát huy phản ứng mạnh hơn so với vắc-xin được tiêm vào cơ theo cách bình thường.
Song song đó, các tế bào mạnh hơn sẽ tiêu diệt vật liệu sinh học của vắc-xin – chính là các kháng nguyên của vi-rút gây bệnh. Những tế bào này sau đó di chuyển đến các hạch bạch huyết để kích hoạt các tế bào miễn dịch nhằm tạo ra tác dụng miễn dịch kéo dài.
Một trong những lợi ích lớn nhất của Nanopatch là nó không nhất thiết sử dụng vắc-xin lỏng. Bởi vì nó sử dụng vật liệu sinh học nên hoàn toàn khô ráo và không cần bảo quản trong môi trường lạnh, giúp tiết kiệm đáng kể công sức và chi phí bảo quản vắc-xin. Hơn thế nữa, Nanopatch còn làm giảm chi phí tiêm chủng. Tiến sĩ Mark Kendall cho biết bởi vì công nghệ này cần dùng ít kháng nguyên, nên: "một mũi vắc-xin có giá 10 USD có thể sẽ giảm còn 10 xu – điều này có ý nghĩa rất quan trọng với các nước đang phát triển".
@NguonTinViet.Com